Trải qua 8 lần kinh doanh thất bại trong 3 năm

Trên Entrepreneur, Joshua Fechter, chuyên gia phát triển tại 22Social, đã có bài chia sẻ về những trải nghiệm thực tế của anh trong suốt quá trình khởi nghiệp . Anh khẳng định kinh nghiệm từ những thất bại liên tiếp này đã trở thành bệ phóng giúp anh thành công như ngày nay.

Tôi đã 8 lần khởi nghiệp thất bại chỉ trong 3 năm, kèm theo đó là giấc mơ của hơn 100 nhân viên đầy tham vọng cũng bị nghiền nát theo. Có một thực tế phũ phàng là tình trạng của tôi không phải trường hợp duy nhất. 9 trong số 10 người khởi nghiệp cũng thất bại như vậy.

Joshua Fechter – chuyên gia phát triển tại 22Social. Ảnh: Joshua Fechter

Nhưng qua những lần đó, tôi nhanh chóng rút ra kinh nghiệm về những việc mình không nên làm và từ từ học hỏi những điều nên làm. Đây là một quá trình đầy gian nan và đau khổ. Nhưng chính nhờ nó mà tôi tiến bộ.

Tôi từng khó khăn đến nỗi không có quần áo mới trong nhiều năm, đi chiếc ô tô đã cực kỳ xập xệ, ngủ ngay trong xe và đi phỏng vấn khắp California.

Cuối cùng, tôi được nhận vào làm việc tại San Diego cho một công ty marketing trên Facebook – 22Social. Chỉ vài tháng sau, tôi đã biết công ty này không giống như những hãng khởi nghiệp khác. Chỉ trong một thời gian ngắn, chúng tôi đã nhân đôi doanh thu cho công ty và bắt đầu tuyển thêm nhân viên.

Nhìn lại những gì đã trải qua, tôi rút ra được 8 bài học từ những thất bại. Đó chính là bệ phóng cho thành công của tôi hôm nay.

1. Tự đặt mình vào vị trí tạo ra giá trị

Điều này rất đơn giản – hãy gắn công việc của bạn phụ thuộc vào giá trị bạn mang lại cho công ty. Khi bị đặt vào vị trí tạo ra ít giá trị hơn, bạn nên bỏ qua chúng và tập trung làm việc khác tốt hơn. Chỉ khi nào bạn ngừng nghe lệnh từ những người khiến năng suất của bạn giảm xuống, bạn mới có thể thành công được.

2. Nói ra những gì bạn nghĩ 

Bạn sẽ nhận ra điều hối tiếc nhất của mình chính là không nói ra những vấn đề đang gặp phải. Có thể bạn do dự vì sợ bị từ chối. Nhưng rủi ro thực sự trong một thế giới không ngừng chuyển động chính là không nắm bắt lấy cơ hội. Và nếu để nó rơi vào tay người khác, họ có thể biến cơ hội thành một mỏ vàng.

3. Hãy làm những việc tưởng chừng như sẽ thất bại

Ông chủ hãng xe điện Tesla – Elon Musk từng nói: “Nếu bạn thấy điều gì đó đủ quan trọng thì bạn nên làm nó, kể cả khi ở vào thế bất lợi”.

Khi khởi nghiệp, rất có khả năng bạn sẽ thất bại. Nhưng nếu đã dành nhiều tháng cho một dự án và rồi nó đổ vỡ, đừng ngại làm điều tương tự lần 2. Vì khi đó bạn đã biết mình cần tránh cái gì rồi.

4. Văn hóa doanh nghiệp là tất cả

Các công ty khởi nghiệp thành công hay thất bại phụ thuộc vào hiệu quả làm việc của cả nhóm. Có một sự khác biệt rất lớn về năng suất làm việc giữa những người thức dậy hào hứng và dành 100% nỗ lực cho công việc với những người ngại gặp đồng nghiệp.

5. Không quan trọng bạn đọc bao nhiêu, quan trọng là bạn đọc cái gì

Tôi đã đọc hàng trăm cuốn sách để tìm hiểu những kiến thức giúp duy trì sự thành công của mình. Nhưng đó không phải điểm mấu chốt. Tôi nhận ra rằng nhiều cuốn sách được đánh giá cao trên Amazon đều không đáng đọc vì chúng không mang lại cho tôi điều gì đáng giá. Hãy nhớ rằng, bạn nên đọc những cuốn sách có liên quan đến nhưng gì bạn muốn đạt được. Đó mới là những cuốn mang lại cho bạn nhiều lợi ích nhất.

6. Học cách tránh bị xao nhãng

Sa đà vào Facebook hay Instagram có thể khiến bạn mất tập trung làm việc. Vì thế, hãy tránh tối đa những hoạt động như thế này, nếu nó không mang lại thêm lợi ích cho bạn.

7. Thành công không đến sau một đêm

Bạn sẽ phải đi quãng đường dài hơn mình nghĩ để đạt được thành công. Nhưng bạn có thể quyết định xem mình nên đi hay nên chạy.

Hầu hết mọi người tin rằng mình xứng đáng được thành công. Nhưng nếu không làm những việc cần thiết để chinh phục ước mơ, bạn sẽ không biết được điều gì đã đưa bạn qua hành trình thăng trầm đó đâu.

8. Thất bại là điều tốt nếu nó giúp bạn thay đổi

Thất bại là điều tốt nếu sau đó, bạn sẵn sàng thay đổi cho những lần khởi nghiệp sau. Nhiều người thất bại đã không tìm ra được sai lầm của bản thân, và liên tục lặp lại sai lầm trong quá khứ. Vì vậy, hãy tìm ra chiến lược mới trước khi bạn tiếp tục tiến bước.

Hãy nghiên cứu cả 8 bài học này và áp dụng chúng cho lần khởi nghiệp tiếp theo. Chúc may mắn!

Cùng Danh Mục

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *